MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH HẦU

Hiện nay, một số nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã xuất hiện các ổ dịch bệnh bạch hầu, trong đó đã có các trường hợp tử vong do bệnh. Vì vậy, vấn đề được quan tâm hiện nay đó là phòng ngừa bệnh bạch hầu đúng cách để khống chế, không cho dịch bệnh bùng phát.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch. Ở nước ta, bệnh bạch hầu vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn dù đã có vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu. Đa số người mắc bệnh là người không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu. Điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng và chấm dứt sự lây truyền.
Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật bị nhiễm khuẩn. Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh nếu chưa có kháng thể bảo vệ. Kháng thể miễn dịch của mẹ được chuyển sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ tương đối và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Người mắc bệnh sau khi khỏi sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch  lâu dài.
Thời kỳ ủ bệnh thông thường từ 2- 5 ngày. Thời kỳ lây truyền khoảng 2 tuần. Người bệnh có thể đào thải vi khuẩn ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn có thể mang vi khuẩn bạch hầu từ vài ngày đến 4 tuần. Các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh gồm: người bệnh sốt, đau họng, ho, chảy nước mũi và kèm theo giả mạc màu trắng ngà hoặc xám, bóng, dai, dính chặt ở amydal hoặc thành sau họng hoặc mũi, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Có thể khàn tiếng, khó thở, hạch góc hàm sưng to (dấu hiệu cổ bạnh, cổ bò), có thể có vết loét trên da, có thể có biểu hiện tình trạng nhiễm độc toàn thân (mệt mỏi, da xanh tái).
Các biện pháp phòng bệnh bạch hầu:
          1. Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu
- Tiêm đầy đủ số mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, quan trọng và hiệu quả nhất, bệnh bạch hầu đã có vắc xin tiêm phòng được triển khai miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 1984 trở lại đây.
* Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng cần được tiêm như sau:
- Tiêm các mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần
bạch hầu, thường kết hợp trong các vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1.
+ Mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ 2 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 2 tiêm lúc trẻ 3 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 3 tiêm lúc trẻ 4 tháng tuổi.
- Tiêm nhắc lại:
+ Mũi thứ 4 tiêm lúc trẻ 18 đến 24 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 5 tiêm lúc trẻ 4 đến 7 tuổi.
+ Mũi thứ 6 tiêm lúc trẻ 9 đến 15 tuổi.
* Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng:
- Tiêm các mũi vắc xin cơ bản:
+ Mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt.
+ Mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần.
+ Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu 6 tháng.
- Tiêm nhắc lại 2 mũi vắc xin: các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.
         2. Biện pháp phòng bệnh khác
Người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám và điều trị kịp thời; người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế ./.
 Vương Thị Huyền -TTYT Hoài Đức