HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT NĂM 2024
Bệnh Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra. Bệnh rất nguy hiểm do bệnh dễ lây lan thành dịch, những trường hợp nặng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng, chính quyền các cấp, các ngành… không phải chỉ Việt Nam mà còn được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN. Đồng thời kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng chống sốt xuất huyết cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết, tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore vào tháng 7 năm 2010 đã thông qua quyết định quan trọng, thống nhất chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết”.
Tại Việt Nam, Sốt xuất huyết vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây gánh nặng bệnh tật lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Tính từ đầu năm đến ngày 10/6/2024, toàn huyện Hoài Đức ghi nhận 11 trường hợp sốt xuất huyết tại 7/20 xã, thị trấn. Để đẩy mạnh phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh để bảo vệ gia đình mình không bị Sốt xuất huyết.
1. Biện pháp không cho muỗi đẻ trứng trong dụng cụ chứa nước sạch và tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy:
- Phải đậy kín và cọ rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như chum, vại,…;
- Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến;
- Thả cá vào các bể chứa nước để cá ăn lăng quăng, bọ gậy;
- Thay nước lọ hoa thường xuyên hàng tuần;
- Đổ dầu hoặc bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn;
- Thả hóa chất diệt bọ gậy vào các bể nước không dùng để ăn uống, hòn non bộ và chậu cảnh có nước;
- Lấp kín những hốc cây có chứa nước đọng bằng xi măng hoặc đất, cát;
- Thu gom, tiêu hủy phế liệu, phế thải quanh nhà có thể chứa nước mưa
tạo môi trường cho muỗi vằn đẻ trứng…
2. Biện pháp không cho muỗi trú ẩn trong nhà:
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng;
- Không treo quần áo mặc dở bừa bãi, thiếu gọn gàng làm chỗ cho muỗi trú đậu.
3. Biện pháp phòng muỗi đốt:
- Diệt muỗi bằng thuốc xịt muỗi, nhang trừ muỗi, vợt điện bắt muỗi;
- Mặc quần dài, áo dài tay;
- Ngủ màn cả ban ngày và ban đêm;
- Căng lưới cửa ngăn muỗi;
- Bôi thuốc chống muỗi ở vùng da hở;
- Tẩm màn bằng hóa chất để ngăn ngừa muỗi đốt...
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết năm 2024 với chủ đề “Tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng”, các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là từng hộ gia đình, mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng chống Sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nguyễn Thị Bích Hạnh
Tin tức liên quan
- Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sau bão lũ của Bộ Y tế
- CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH BẠCH HẦU
- MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH HẦU
- PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT TẠI CỘNG ĐỒNG
- HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH BỔ SUNG VITAMIN A VÀ CÂN ĐO TRẺ NĂM 2024
- BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG
- VAI TRÒ CỦA VI CHẤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ
- ĐỀ PHÒNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG CHO TRẺ
- HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31/5 VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ NĂM 2024