HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31/5
VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ NĂM 2024
VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ NĂM 2024
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 loại bệnh khác nhau (bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới).
Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, và tổn thất do cháy nổ vì hút thuốc lá.Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra việc trồng cây thuốc lá chiếm nhiều diện tích đất mà có thể được sử dụng để trồng cây lương thực. Trên toàn cầu, khoảng 3,5 triệu ha đất được chuyển đổi để trồng cây thuốc lá mỗi năm. 9/10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có 4 quốc gia được xác định là bị thiếu lương thực. Nếu đất trồng thuốc lá có thể được sử dụng cho việc trồng cây lương thực sẽ góp phần vào việc thực hiện Mục tiêu thứ 2 của Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc: “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn Formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn Nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Trồng thuốc lá đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất đai, làm đất mất chất dinh dưỡng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực.
Năm 2024, Tổ chức Y tế Thế giới chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề ngày thế giới không thuốc lá năm 2024. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5/2024, mọi người hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như trường học, cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang…. Tại nơi làm việc, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, tích cực tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định cấm hút thuốc và xây dựng môi trường không khói thuốc lá; nâng cao nhận thức cho người trồng cây thuốc lá về tác hại của trồng cây thuốc lá và lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp…
Nguyễn Thị Bích Hạnh – TTYT Hoài Đức
Tin tức liên quan
- Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sau bão lũ của Bộ Y tế
- CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH BẠCH HẦU
- MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH HẦU
- HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT NĂM 2024
- PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT TẠI CỘNG ĐỒNG
- HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH BỔ SUNG VITAMIN A VÀ CÂN ĐO TRẺ NĂM 2024
- BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG
- VAI TRÒ CỦA VI CHẤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ
- ĐỀ PHÒNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG CHO TRẺ