ĐỀ PHÒNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG CHO TRẺ
 
Với trẻ em, việc cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể phát triển đóng một vai trò rất quan trọng. Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống. Thiếu hụt bất cứ vi chất nào đều gây nên những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của trẻ.
- Thiếu vitamin A không những làm giảm thị giác, thị lực, mà còn là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chậm về thể chất, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Thiếu vitamin A gây khô mắt, là nguyên nhân của bệnh quáng gà, nghiêm trọng hơn, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.
- Thiếu sắt là một nguyên nhân căn bản dẫn đến thiếu máu. Thiếu máu khiến da trẻ trở nên xanh xao, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển trí tuệ, thể chất ở trẻ em.
- Thiếu iốt trong thời kỳ niên thiếu có thể gây ra bệnh bướu cổ, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ.
- Canxi có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định độ cứng cáp, phát triển chiều cao của trẻ, ở giai đoạn 1 năm tuổi nếu không cung cấp đầy đủ lượng canxi cho trẻ thì sẽ dẫn đến việc còi xương, chậm phát triển. Một trong những biểu hiện thiếu canxi rõ ràng nhất ở trẻ sơ sinh đó là xuất hiện các cơn co giật toàn thân hoặc tay chân bỗng nhiên co cứng lại. Một số biểu hiện thiếu canxi khác như:
+ Trẻ dưới một tuổi khó ngủ, hay trằn trọc hoặc ngủ ít và rất dễ giật mình, quấy khóc thường xuyên vào ban đêm.
+ Trẻ chậm mọc răng hoặc răng mọc nhưng bị lệch, so le,…
+ Trẻ bị đổ mồ hôi đầu, lưng, ngực sau khi ngủ dậy hay lúc nằm máy lạnh (còn gọi là đổ mồ hôi trộm). Trẻ bị rụng tóc thành hình vành khăn phía sau đầu - nơi tiếp xúc với gối nhiều nhất.
+ Thiếu hụt canxi khiến thóp liền muộn hơn và tạo thành hộp sọ vuông.
Thời gian bé tập lẫy, bò, đứng, đi rất muộn… là hệ quả của thiếu hụt canxi. Hầu hết thiếu hụt canxi ở trẻ dưới 1 tuổi đều biểu hiện ở khu vực chân với các biểu hiện: chân yếu, chậm bò - đứng - đi, hoặc chân cong, cơ bắp lỏng lẻo, yếu ớt.
+ Ngoài ra, những hệ lụy từ vấn đề thiếu canxi có thể làm bé trầm cảm hoặc chậm phát triển tâm lý.
Việc thiếu hụt những vi chất dinh dưỡng này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất. Vì vậy, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng: Có thể dùng bột dinh dưỡng có tăng cường đa vitamin và khoáng chất cho trẻ từ 6 đến 24 tháng.      Nên nấu ăn bằng muối iốt, nước mắm có tăng cường chất sắt; sử dụng đường có tăng cường vitamin A; hoặc cho trẻ ăn vặt bằng bánh quy có tăng cường vitamin A, sắt, kẽm, canxi…
2. Cho trẻ bú sớm ngay trong giờ đầu sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D: Nên sử dụng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tự nhiên như: gan động vật, bầu dục, thịt bồ câu, đậu tương, vừng, đậu trắng… là những thực phẩm rất giàu chất sắt. Các loại rau lá có màu xanh thẫm, các loại củ quả có màu vàng…là những thức ăn có nhiều vitamin A. Các loại thức ăn như: Sữa, thịt, cá, tôm, cua, các loại ngũ cốc, đậu đỗ... là thực phẩm chứa nhiều can xi.
4. Trẻ từ 24-60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
5. Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axít folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
6. Trong các đợt triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A trên toàn quốc, hãy cho trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đi uống bổ sung vitamin A liều cao tại các điểm uống ở xã, thị trấn theo giấy mời.
Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng của cơ thể!
Nguyễn Thị Bích Hạnh  – TTYT Hoài Đức