DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT TẠI CỘNG ĐỒNG
 
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus khi đốt sang người lành sẽ truyền bệnh cho người đó. Hiện nay bệnh Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, trụy tim mạch, tay tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong cao, đặc biệt là trẻ em.
Hiện nay thời tiết mưa nắng rất thất thường, có nhiệt độ trung bình cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên khả năng bùng phát dịch là rất cao nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh. Sau đây, Trung tâm y tế Hoài Đức xin giới thiệu về cách nhận biết các dấu hiệu bệnh và một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân Sốt xuất huyết tại cộng đồng:
1. Các dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh Sốt xuất huyết:
Bệnh thường có các dấu hiệu sau:
          - Sốt xuất huyết thể nhẹ: người bệnh sốt cao đột ngột 39-400 C, kéo dài trong 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi.
          - Sốt xuất huyết thể nặng: Người bệnh có các dấu hiệu trên và kèm theo dấu
hiệu xuất huyết: chấm, mảng, đám xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân có máu, xuất huyết âm đạo, tiểu ra máu, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, li bì…
2. Các việc cần làm khi nghi ngờ bị Sốt xuất huyết:
Khi nghi ngờ bị Sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Trường hợp nhẹ có thể được bác sĩ cho điều trị ngoại trú tại nhà, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc như sau:
- Nghỉ ngơi tại nhà.
- Cho bệnh nhân nằm màn cả ngày và đêm.
- Bù dịch sớm bằng đường uống: khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,...) hoặc nước cháo loãng với muối.. Cho ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như: cháo, súp hoặc sữa.
- Nếu sốt cao ≥ 38,5°C, cho uống thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng theo hướng dẫn của bác sĩ , nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.
- Theo dõi bệnh nhân nếu có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng như: sốt li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều… cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
3. Một số trường hợp cần lưu ý khi xem xét nhập viện điều trị sốt xuất huyết:
Phần lớn các trường hợp bệnh nhân mắc Sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xuất huyết xảy ra để xử trí kịp thời.
Các trường hợp sau đây nên xem xét nhập viện điều trị khi mắc Sốt xuất huyết:
- Sống một mình.
- Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
- Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
- Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Người thừa cân, béo phì.
- Phụ nữ có thai.
- Người lớn tuổi (≥60 tuổi).
- Người có bệnh mạn tính đi kèm như: bệnh thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc
  nghẽn mãn tính kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...
Thông báo cho Trạm Y tế khi biết có người mắc bệnh sốt xuất huyết để phòng bệnh kịp thời
Nguyễn Thị Bích Hạnh