CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH BẠCH HẦU

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh. Bệnh gây nên những biến chứng nguy hiểm như: viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, viêm kết mạc mắt, suy hô hấp, có thể dẫn tới tử vong.
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc lây truyền gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất tiết của người nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Người tiếp xúc gần là là người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định trong thời kỳ mắc bệnh hoặc với người lành mang trùng, bao gồm:
- Người sống cùng hộ gia đình, cùng nhà;
- Cùng chơi với nhau;
- Học sinh cùng lớp, cùng trường, cùng nhóm học tập;
- Cùng nhóm làm việc/cùng phòng làm việc;
- Cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo;
- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt;
- Nhân viên y tế không có phòng hộ cá nhân khi chăm sóc, điều trị, điều tra, lấy mẫu;
- Cùng tham gia phương tiện giao thông (trước, sau 2 hàng ghế).
1. Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em.
* Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng:
- Tiêm các mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu, thường kết hợp trong các vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1.
+ Mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ 2 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 2 tiêm lúc trẻ 3 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 3 tiêm lúc trẻ 4 tháng tuổi.
Tốt nhất nên hoàn thành tiêm mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi.
- Tiêm nhắc lại:
+ Mũi thứ 4 tiêm lúc trẻ 18 đến 24 tháng tuổi.
+ Mũi thứ  5 tiêm lúc trẻ 4 đến 7 tuổi.
+ Mũi thứ 6 tiêm lúc trẻ 9 đến 15 tuổi.
* Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng:
- Tiêm các mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất.  
+ Mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt.
+ Mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần.
+ Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng.
- Tiêm nhắc lại: Tiêm nhắc lại 2 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất. Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.
2. Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu
Đối với người dân cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.
 Vương Thị Huyền - TTYT Hoài Đức