BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

 Hiện nay, người mắc bệnh Đái tháo đường chiếm tỉ lệ cao trên thế giới. Mặc dù căn bệnh này rất phổ biến nhưng nó hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học. Sau đây là một số biện pháp giúp chúng ta phòng tránh bệnh Đái tháo đường:
1. Giảm cân
Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao nhất mắc căn bệnh này. Giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản nhất để giúp người thừa cân, béo phì ra khỏi nguy cơ mắc căn
bệnh Đái tháo đường. Điều quan trọng là bạn kiểm soát được lượng calo bổ sung vào cơ thể mỗi ngày và chăm chỉ tập luyện thể thao đều đặn.
2. Ăn nhiều rau xanh
Nếu bạn thường ăn sáng với những đồ ăn nhiều dầu mỡ như bánh mì bơ, phomat bơ, khoai tây chiên… hãy đổi vị bằng món salad mỗi sáng. Bổ sung nhiều rau xanh thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh Đái tháo đường. Đây cũng là cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định.
3. Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt
Ăn một số loại ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp ổn định và kiểm soát được lượng đường trong máu. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, bổ sung ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường type 2, đột quỵ, huyết áp cao, thậm chí là chống ung thư vú.
4. Sử dụng cà phê buổi sáng
Cà phê  giúp tránh được bệnh Đái tháo đường rất tốt. Một số nghiên cứu cho thấy, cà phê có thể ngăn ngừa bệnh Đái tháo đường một cách an toàn. Chúng ta nên uống đều đặn 1 ly cà phê mỗi sáng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
5. Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh
Các loại thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ bệnh Đái tháo đường. Vì vậy, bạn nên hạn chế loại đồ ăn này bất cứ lúc nào có thể.
6. Khám bệnh thường xuyên
Cách phòng và chữa trị bệnh dễ dàng nhất là khám bệnh thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Bạn cần phải biết lượng đường trong máu bạn như thế nào, đặc biệt là trong gia đình bạn đã có người bị Đái tháo đường. Hãy xét nghiệm máu định kỳ và làm theo những lời khuyên của bác sĩ để phòng bệnh tốt nhất.
7. Không uống rượu bia
Uống rượu quá nhiều gây ra chứng bệnh mỡ trong máu tăng cao, mà còn duy trì trong thời gian dài. Đối với những bệnh nhân điều trị bằng insulin uống rượu khi đói bụng dễ gây ra đường máu thấp
8. Tăng cường hoạt động thể lực
- Chơi thể thao hơn 30 phút trong hầu hết các ngày
- Tập thể dục khoảng 1 giờ/ngày trong hầu hết các ngày
- Năng động trong mọi hoạt động, bước khoảng từ 5.000 - 10.000 bước chân/ngày
- Tránh ngồi một chỗ quá lâu khi làm việc, nên nghỉ ngơi 5 phút sau 1 tiếng làm việc
- Đối với phụ nữ, nên hạn chế việc làm vào ban đêm.
9. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Ăn đa dạng: nên ăn trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, và món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa…
- Nên hạn chế ăn những thức ăn nhiều đường như: đường, nước ngọt, kẹo…
- Ăn chừng mực: không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều.
- Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, lượng bột đường vừa đủ theo nhu cầu hoạt động của cơ thể, tránh dư thừa sẽ dễ làm tăng cân.
- Nên ăn các loại thịt nạc bỏ da, ăn cá nhiều hơn thịt. Ăn thêm các loại đạm thực vật như đậu hũ, các loại đậu khác.
- Nên hạn chế mặn, người mắc cao huyết áp chỉ dùng dưới 1/2 muỗng cà phê muối/ngày kể cả nêm nếm trong thức ăn.
Vương Thị Huyền