BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (hay huyết áp tối đa, số ở trên) ³ 140 mmHg (milimét thủy ngân) và/hoặc huyết áp tâm trương (hay huyết áp tối thiểu, số ở dưới) ³ 90 mmHg (milimét thủy ngân).
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc Tăng huyết áp ở mức cao, 25% người lớn từ 25 tuổi trở lên, và ngày càng gia tăng.
Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và không có biểu hiện cảnh báo, nhưng gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Vì vậy tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
1. Nguyên nhânĐa số trường hợp Tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân, chỉ có khoảng 10% các trường hợp Tăng huyết áp là có nguyên nhân: do dùng thuốc (kháng viêm non-steroid, thuốc tránh thai dạng uống, corticoid, cam thảo, thuốc nhỏ mũi), bệnh thận; hẹp động mạch thận; nguyên nhân nội tiết; nguyên nhân tim mạch như: hở van động mạch chủ; hẹp eo động mạch chủ …; nhiễm độc thai nghén, yếu tố tâm thần.
2. Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết ápCó những yếu tố làm tăng khả năng bị Tăng huyết áp, bao gồm:
- Ăn mặn.
- Hút thuốc lá, thuốc lào.
- Uống nhiều rượu,bia.
- Ít vận động thể lực.
- Căng thẳng, lo âu quá mức.
- Mắc các bệnh: thận; đái tháo đường.
- Rối loạn chuyển hóa mỡ máu.
- Béo phì.
- Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc Tăng huyết áp.
- Gia đình có người mắc Tăng huyết áp.
3. Một số biến chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp nguy hiểm bởi nó để lại các biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến biến chứng như:
- Tim: Nhồi máu cơ tim, suy tim…
- Não: Tai biến mạch máu não, xuất huyết não…
- Thận: Đái ra máu, suy thận…
- Mắt: xuất huyết, xuất tiết võng mạc…
4. Các biện pháp dự phòng Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể phòng ngừa hiệu quả khi thực hiện các biện pháp sau:
4.1. Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp
- Giảm ăn mặn: Mỗi ngày, lượng muối cần thiết cho mỗi người là dưới 5 gram. Hiện nay, người Việt Nam có thói quen ăn mặn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn khuyến cáo. Vì vậy, mọi người cần thực hiện:
+ Cho bớt muối, nước mắm, bột canh, mì chính khi nấu ăn;
+ Bỏ/giảm việc để muối và gia vị trên bàn ăn;
+ Hạn chế các thực phẩm mặn như dưa, cà muối, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp…
- Khẩu phần ăn: nên ăn nhiều rau xanh, cá, tôm, cua. Hạn chế ăn chất béo động vật như mỡ lợn, mỡ bò, nước luộc thịt, thịt gà sẫm màu, sữa nguyên kem, bơ, pho mát; thay thế bằng chất béo thực vật: các loại đậu, lạc, vừng…
- Tăng cường ăn các món luộc, hấp. Hạn chế ăn các món rán/chiên, quay, xào.
- Không ăn phủ tạng động vật.
- Giảm cân nếu thừa cân. Duy trì cân nặng hợp lý theo chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5-23.
- Thực hiện chế độ giảm cân, duy trì kích thước vòng bụng ≤ 90 cm với nam và ≤ 80 cm với nữ (không áp dụng các chỉ số này cho phụ nữ có thai).
- Hạn chế sử dụng rượu, bia.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
4.2. Hoạt động thể lực
- Tăng cường vận động hàng ngày, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần.
- Một số môn thể thao thích hợp như: chạy bước nhỏ; cầu lông; bóng bàn; bơi; tập dưỡng sinh; yoga….
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Hạn chế xem ti vi, sử dụng máy tính.
4.3. Kiểm tra huyết áp
Đo kiểm tra huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm Tăng huyết áp.

Vương Thị Huyền