CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG PHÒNG CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong hoặc tàn phế trong số các bệnh lý tim mạch. Bệnh thường diễn biến âm thầm nhưng hậu quả rất nặng nề, vì vậy nếu được theo dõi và điều trị đúng sẽ tránh được các tai biến, biến chứng của bệnh.
Ăn là nhu cầu không thể thiếu của mỗi con người, nhưng trên mâm cơm hàng ngày lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh Tăng huyết áp. Nếu chế biến thực phẩm không đúng cách hoặc ăn uống không khoa học có thể dẫn tới thừa cân - béo phì, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
1. Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi
Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm 5g muối tức là một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ. Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp.
Để làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh Tăng huyết áp, ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, thì cũng cần hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn. Ngoài ra, những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh là một chế độ ăn đúng cách, đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm
Trong bữa ăn đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất.
Chất bột đường: ăn đủ tùy theo nhu cầu hoạt động thể lực của từng người, không ăn quá nhiều chất bột đường bởi chất bột đường gây thừa cân béo phì và đái tháo đường; nên dùng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt hoặc nhiều chất xơ như gạo lức, gạo giã, bánh mì đen,.. Có thể dùng thêm các loại tinh bột khác đa dạng như: khoai lang, khoai mì, bắp,...
Chất đạm: ăn ở mức vừa phải, nên ăn phối hợp cả đạm động vật và đạm thực vật. Đạm động vật nên ăn phối hợp và đa dạng các loại như: thịt (hạn chế thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu,...), cá (ăn thêm cá biển để cung cấp các loại khoáng chất như i ốt, canxi, flour,...), tôm, cua, trứng, sữa,... Đạm thực vật có nhiều trong các loại đậu và hạt như: đậu xanh, đậu nành,...
Chất béo: ăn ở mức vừa phải, không nên ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tăng mỡ máu gây xơ vữa mạch và các rối loạn khác. Nên phối hợp giữa chất béo no và chất béo không no, chất béo từ động vật và thực vật. Chất béo no nên ăn hạn chế, tăng cường chất béo không no. Chất béo no có trong mỡ heo, mỡ bò, dầu dừa,...; chất béo không no có trong các loại dầu thực vật; dầu cá; các loại hạt như hạt óc chó, vừng, lạc,... Hạn chế ăn các loại da động vật, nội tạng (bao tử, ruột, tim, gan,...) vì chứa rất nhiều cholesterol.
Vitamin và chất khoáng: tăng cường ăn rau, củ, trái cây; ăn đa dạng nhiều loại khác nhau để đảm bảo cung cấp đủ 400g/người/ngày (kể cả ăn sống và nấu chín) giúp bổ sung vitamin, chất xơ và các chất khoáng cần thiết. Ngoài ra ăn nhiều rau củ quả còn chống táo bón, phòng ngừa thừa cân béo phì.
Tóm lại: Người bị Tăng huyết áp cần phải ăn nhạt, không quá 5g (tương đương 1 thìa cà phê) muối ăn/ngày. Cần hạn chế ăn các thức ăn chế biến sẵn, hạn chế chất béo, đồ ngọt. Không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Tăng cường ăn rau quả xanh, trái cây, chú ý ăn các thức ăn có chứa nhiều kali, magiê và các nguyên tố vi lượng khác như khoai tây, chuối, dưa hấu. Nếu người bị Tăng huyết áp và thừa cân thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calo, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý.
Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng cho sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ!
Vương Thị Huyền