TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
 
     Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
     Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Sau đây, Trung tâm y tế Hoài Đức xin cung cấp một số thông tin cơ bản về cách phòng chống bệnh Sốt xuất huyết để người dân chủ động phòng chống bệnh hiệu quả:
     1. Khái niệm về bệnh Sốt xuất huyết:
Bệnh Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra. Bệnh rất nguy hiểm do bệnh dễ lây lan thành dịch, chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những trường hợp nặng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
     2. Đường lây truyền của bệnh:
Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh trưởng ở những dụng cụ chứa nước sạch, hoặc những dụng cụ phế thải, các nơi chứa nước mưa quanh nhà. Muỗi vằn đốt, hút máu người bệnh rồi đốt người lành, truyền vi rút gây bệnh từ tuyến nước bọt của muỗi sang cho người lành, và người lành bị nhiễm bệnh.
    3. Các biện pháp phòng ngừa bệnh Sốt xuất huyết:
a. Biện pháp không cho muỗi đẻ trứng trong dụng cụ chứa nước sạch và tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy:  
- Phải đậy kín và cọ rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như chum, vại,…;
- Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến;
- Thả cá vào các bể chứa nước để cá ăn lăng quăng, bọ gậy;
- Thay nước lọ hoa thường xuyên hàng tuần;
- Đổ dầu hoặc bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn;
- Thả hóa chất diệt bọ gậy vào các bể nước không dùng để ăn uống, hòn non bộ và chậu cảnh có nước;
- Lấp kín những hốc cây có chứa nước đọng bằng xi măng hoặc đất, cát;
- Thu gom, tiêu hủy phế liệu, phế thải quanh nhà có thể chứa nước mưa
tạo môi trường cho muỗi vằn đẻ trứng…
b. Biện pháp không cho muỗi trú ẩn trong nhà:
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng;
- Không treo quần áo mặc dở bừa bãi, thiếu gọn gàng làm chỗ cho muỗi trú đậu.
c. Biện pháp phòng muỗi đốt:  
- Diệt muỗi bằng thuốc xịt muỗi, nhang trừ muỗi, vợt điện bắt muỗi;
- Mặc quần dài, áo dài tay;
- Ngủ màn cả ban ngày và ban đêm;
- Căng lưới cửa ngăn muỗi;
- Bôi thuốc chống muỗi ở vùng da hở;
- Tẩm màn bằng hóa chất để ngăn ngừa muỗi đốt...
Để phòng chống bệnh Sốt xuất huyết, các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là từng hộ gia đình, mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy chung tay thực hiện các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi, phòng chống Sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
       Không có bọ gậy, không có muỗi vằn - Không còn Sốt xuất huyết!
Vương Huyền