NGUYÊN NHÂN GÂY MẤT AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
VÀ 10 NGUYÊN TẮC VÀNG CHẾ BIẾN THỰC PHẨM AN TOÀN
 
          Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư.
          Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá các chương trình hành động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn cầu đã xác định được nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em là các bệnh đường ruột, phổ biến là tiêu chảy. Đồng thời cũng nhận thấy nguyên nhân gây các bệnh trên là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.   
          Trước mắt, thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người nhưng đồng thời cũng là nguồn có thể gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh. Không có thực phẩm nào được coi là có giá trị dinh dưỡng nếu nó không đảm bảo vệ sinh.
          Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy, nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích lũy dần các chất độc hại ở một số cơ quan trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây các dị tật, dị dạng cho thế hệ mai sau.
Nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm:
          - Thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại là một nguyên nhân chính yếu gây nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể.
          - Các hoá chất không được phép sử dụng nhưng vẫn được người sản xuất, kinh doanh sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm như: hàn the, màu công nghiệp đặc biệt phẩm Sudan.
          - Các hoá chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại được dùng quá hàm lượng cho phép như các chất tạo ngọt tổng hợp, chất bảo quản chống mốc, chất chống oxy hoá.
          - Dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt quá mức cho phép.
       - Chất độc gốc tự nhiên trong một số thuỷ sản như cá nóc, mực xanh, trong một số thực phẩm như măng, sắn, độc tố sinh học biển gây tiêu chảy, gây mất trí nhớ, gây liệt cơ trong nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
          - Chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt như các loại hạt ngô, đậu tương, lạc, hạt dẻ bị mốc.
          - Chất độc gốc môi trường : kim loại nặng, dioxin……
Để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình, khi chế biến thực phẩm chúng ta cần thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng sau đây:
          1. Chọn thực phẩm tươi sạch.
          2. Thực hiện ăn chín uống chín, rửa sạch rau quả tươi.
          3. Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong.
          4. Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín.
          5. Đun kỹ lại thức ăn thừa của bữa trước, trước khi dùng.
          6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
          7. Rửa sạch tay bằng nước sạch trước khi cầm vào thực phẩm.
          8. Giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng, khô ráo.
          9. Không ăn, sử dụng các thức ăn nghi ôi thiu, mốc, hỏng.
          10. Chế biến thực phẩm bằng nước sạch. 
          Người dân cần chú ý từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
ThS Vương Thị Huyền