HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ TOÀN DÂN ĐI ĐO HUYẾT ÁP
 
      Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch góp phần giúp cho máu được luân chuyển trong động mạch tới các mô và cơ quan của cơ thể.
      Ở người từ 18 tuổi trở lên, bình thường Huyết áp khoảng 110 đến 120/ 70 đến 80 mmHg (milimet thủy ngân). Huyết áp của mỗi người sẽ dao động trong ngày tùy theo trạng thái của cơ thể đang lao động hay nghỉ ngơi, thoải mái về tinh thần hay đang bị stress tâm lý hoặc yếu tố ngoại cảnh khác như: điều kiện nhiệt độ của môi trường sống v.v…   Tuy nhiên, khi kết quả  đo huyết áp từ 140/90 milimet thủy ngân trở lên thì được gọi là tăng huyết áp.
1. Các dấu hiệu của tăng huyết áp:
       Tăng huyết áp là căn bệnh diễn biến âm thầm, ít có dấu hiệu cảnh báo nên rất nhiều người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường, một số trường hợp có thể xuất hiện một vài triệu chứng như sau:
     a. Đau đầu: có thể đau vùng đỉnh đầu, 2 bên thái dương, có lúc đau lúc không. Trường hợp bị cơn tăng huyết áp ác tính (huyết áp đột ngột tăng quá cao) thì đau đầu dữ dội như muốn vỡ ra.
     b. Chóng mặt, ù tai: Bệnh nhân thỉnh thoảng có chóng mặt, người choáng váng, mất thăng bằng. Có thể kèm theo ù tai hoa mắt.
     c. Mất ngủ: Tăng huyết áp làm cho bệnh nhân khó ngủ, ngủ không sâu giấc, có thể hay mê sảng, nhiều trường hợp mất ngủ thường xuyên, không ngủ được.
     d. Suy giảm trí nhớ: Tăng huyết áp làm cản trở lưu thông máu lên nuôi dưỡng cho não bộ, lâu ngày làm suy giảm trí nhớ biểu hiện là bệnh nhân hay quên.
        Ở người tăng huyết áp tuy thấy rằng không có triệu chứng lâm sàng gì đặc biệt nhưng thực ra các biến chứng lên các cơ quan đích như tim, mắt, não, thận, mạch máu lớn... vẫn đang âm thầm xảy ra và ngày một nặng dần mà đôi khi người bệnh không cảm thấy được, vẫn tưởng rằng mình khỏe mạnh bình thường.
2. Một số biện pháp phòng chống Tăng huyết áp:
      a. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý:  
        + Không nên ăn mặn, hạn chế ăn mỡ động vật mà thay bằng các loại dầu
thực vật, hạn chế các loại thực phẩm có nhiều cholesterol: tim, gan, bầu dục, não, trứng...  Nên tăng cường các loại rau xanh và hoa quả tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày.
        + Không nên uống nhiều rượu bia.
     b. Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.
     c. Tránh lo âu quá nhiều, căng thẳng thần kinh quá mức.
     d. Nên điều chỉnh chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi một cách hợp lý.
    e. Tập thể dục và đi bộ nhẹ nhàng, cố gắng mỗi ngày khoảng từ 30-45 phút. Không nên tập các môn thể thao đòi hỏi gắng sức quá nhiều.
    g. Điều trị triệt để những yếu tố nguy cơ về tim mạch như: rối loạn lipid máu, tiểu đường, bệnh thận mạn, thừa cân, béo phì...
    h. Khám sức khỏe định kì và làm một số xét nghiệm cần thiết trong những đợt khám sức khỏe đó để phát hiện sớm tăng huyết áp.
        Số bệnh nhân tăng huyết áp hiện nay đang gia tăng nhanh chóng trong cộng đồng, tăng huyết áp là bệnh rất dễ phát hiện và có thể điều trị được.
       Vì vậy, với mọi bệnh nhân dù có thấy biểu hiện lâm sàng hay không đều phải điều chỉnh lối sống hợp lý và điều trị thuốc hạ huyết áp một cách đều đặn hàng ngày và nhất là cần điều trị lâu dài.
      Hưởng ứng “Ngày tăng huyết áp thế giới”, hiện nay Trung tâm y tế huyện Hoài Đức đang triển khai hoạt động “Tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp” trên địa bàn huyện từ ngày 24/5/2018 đến ngày 30/5/2018 với thông điệp “Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình”. Toàn thể nhân dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn huyện Hoài Đức hãy đến các trạm y tế xã, thị trấn nơi mình sinh sống để được khám và đo huyết áp miễn phí.
       Tất cả mọi người dân đến đo huyết áp sẽ được nhập liệu vào phần mềm quản lý sức khỏe bệnh nhân và được quản lý, điều trị, tư vấn thường xuyên tại trạm y tế xã, thị trấn. Những người có tham gia bảo hiểm y tế khi tới khám cần mang theo thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được cấp thuốc thường xuyên, liên tục để điều trị bệnh lâu dài.
Vương Thị Huyền