HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24/3/2025
 
Ngày Thế giới phòng chống Lao là ngày để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh Lao, đẩy mạnh chấm dứt bệnh Lao trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới đã chọn ngày 24/3 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống Lao.
Bệnh Lao vẫn là “kẻ giết người hàng đầu” trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Bệnh Lao có tính truyền nhiễm và có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người, vì vậy, bệnh Lao thường khó kiểm soát được sự lây lan, thậm chí ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn thận, người bình thường vẫn có thể bị lây nhiễm vi khuẩn Lao từ người bệnh thông qua tiếp xúc một hoặc nhiều lần. Các vi khuẩn gây Lao xâm nhập vào cơ thể sẽ làm phát triển bệnh và làm tổn thương phổi cũng như hệ hô hấp, thậm chí có thể tấn công sang các cơ quan khác của cơ thể gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong một thời gian dài mà không được điều trị sớm có thể dẫn tới tử vong.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống Lao, được thể hiện thông qua sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng chống bệnh Lao với nhiều chính sách và hành động cụ thể. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2025, Việt Nam lấy chủ đề “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh Lao” như một lời khẳng định những nỗ lực cam kết, đầu tư, hành động ở mức cao nhất trong công tác phòng chống Lao tại Việt Nam. Mục tiêu chấm dứt bệnh Lao rất cần sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống Lao từ Trung ương đến địa phương.
Những người mắc bệnh Lao thường có các biểu hiện: ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở. Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám, chẩn đoán bệnh. Người bệnh Lao sẽ được điều trị theo chỉ dẫn và giám sát chặt chẽ của bác sỹ. Hiện nay, thuốc chữa bệnh Lao đã được bảo hiểm y tế thanh toán. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa bệnh bằng thuốc nam, hoặc điều trị bệnh tại phòng khám không chuyên khoa.
Bệnh Lao có thể phòng và chữa được. Để phòng chống bệnh Lao có hiệu quả, trong tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng 1 mũi vắc xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa các bệnh Lao cấp tính. Trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân Lao phổi, trẻ nhiễm HIV cần được uống thuốc dự phòng bệnh.
Những người bị bệnh Lao cần thực hiện những điều sau để bảo vệ người thân và cộng đồng:
- Điều trị tích cực, tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong thời gian điều trị bệnh
- Che miệng, mũi bằng khăn, giấy mềm hoặc bằng cánh tay áo khi ho, khi hắt hơi
- Khạc, nhổ đờm vào khăn giấy/cốc giấy rồi bỏ vào thùng rác hoặc đốt đi
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để giữ bàn tay luôn sạch sẽ
- Phòng ở cần luôn luôn thông thoáng
- Phát hiện sớm và điều trị khỏi bệnh Lao cho người bệnh Lao là cách phòng bệnh tốt nhất.
Phòng chống bệnh Lao là trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh Lao!