CÁCH PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO TẠI CỘNG ĐỒNG
 
Bệnh Lao không phải là bệnh di truyền mà là bệnh truyền nhiễm lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp do vi khuẩn Lao Mycobacterium tuberculosis gây ra.
Đờm của người bệnh là nguồn lây quan trọng nhất. Người bệnh ho, hắt hơi, nói, khạc tạo ra những hạt nước bọt rất nhỏ chứa đầy vi khuẩn Lao bay lơ lửng trong không khí, người khác hít phải những hạt này vào phổi và mắc bệnh. Vi khuẩn Lao có thể gây bệnh ở tất cả các bộ phận trong cơ thể nhưng Lao phổi là thể Lao phổ biến nhất, chiếm 80 - 85%.
I. Các dấu hiệu nghi ngờ mắc Lao phổi bao gồm:
Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, điều trị kháng sinh không đỡ. Có thể kèm theo:
- Ho ra máu.
- Đau tức ngực, khó thở.
- Sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm
- Gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi.
Khi có các dấu hiệu trên, người dân trên địa bàn huyện cần đến ngay Phòng khám đa khoa Ngãi Cầu (thuộc Trung tâm y tế huyện) hoặc Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức để khám bệnh, xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn Lao.
II. Cách phòng và điều trị bệnh Lao tại cộng đồng:
1. Phòng bệnh:
- Tiêm 1 mũi vắc xin BCG phòng bệnh Lao cho trẻ sơ sinh càng sớm càng tốt.
- Bệnh nhân Lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị
- Phơi chăn, chiếu, quần, áo dưới ánh nắng mặt trời là phương pháp diệt vi khuẩn Lao đơn giản hiệu quả.
- Vệ sinh môi trường: nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, không khạc nhổ bừa bãi, dùng khăn giấy gom đờm đốt đi.
- Tuổi cao, yếu tố độc hại (thuốc lá, bia, rượu…), dinh dưỡng kém… là yếu tố làm bệnh nặng hơn.
2. Phương pháp điều trị bệnh Lao:  
Bệnh Lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
- Người bệnh cần khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa Lao hoặc các cơ sở y tế có xác nhận của Chương trình chống Lao Quốc gia.
- Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Trong quá trình điều trị người bệnh cần thực hiện nguyên tắc “Phối hợp thuốc, đúng - đủ - đều” để tránh bị kháng thuốc, tránh ngộ độc thuốc do dùng quá liều, thuốc được hấp thụ tốt nhất và tránh tái phát bệnh Lao.
Thuốc điều trị bệnh Lao được cấp miễn phí. Hiện nay, bệnh Lao điều trị bằng phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau trong vòng 6 đến 9 tháng. Nếu người bệnh dừng thuốc quá sớm, bệnh sẽ có khả năng tái phát trở lại. Đối với những trường hợp dùng thuốc không đúng cách sẽ làm cho những vi khuẩn Lao còn hoạt động trở nên kháng những loại thuốc này. Bệnh Lao kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn.
- Đi xét nghiệm đầy đủ, đúng hẹn theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Người có HIV mắc Lao sẽ được ưu tiên điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi bắt đầu điều trị Lao.
“Vì một Việt Nam không còn bệnh Lao”, các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà hãy tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh Lao!