CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH SỞI
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Sởi là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em trên toàn cầu mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Bệnh rất dễ lây và có khả năng gây dịch lớn.
Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các đồ vật mới bị nhiễm các dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... Khi bệnh quá nặng và không kịp thời chữa trị sẽ dẫn tới tử vong.
Mọi đối tượng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ đều có nguy cơ mắc bệnh.
Hiện nay, bệnh sởi ở trẻ em chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị cơ bản là khắc phục triệu chứng bệnh, kết hợp cải thiện chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi - rubella khi trẻ đủ 18 - 23 tháng tuổi trong Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chiến dịch do cơ quan y tế địa phương tổ chức.
2. Người lớn trong gia đình có trẻ dưới 5 tuổi chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi và phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi (có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi - quai bị - rubella) tại các cơ sở tiêm chủng để phòng bệnh cho chính bản thân và cho trẻ trong gia đình mình.
3. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ; người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh bàn tay, thay quần áo...
4. Ăn uống đầy đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
5. Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí như: mở cửa sổ thường xuyên, có ánh nắng mặt trời chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí...
6. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh. Làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
7. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.
8. Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp mắc hoặc nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
9. Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến Trạm y tế xã, thị trấn để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.
10. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh sởi.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin phòng sởi đầy đủ và đúng lịch.
Vương Huyền
Tin tức liên quan
- Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sau bão lũ của Bộ Y tế
- CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH BẠCH HẦU
- MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH HẦU
- HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT NĂM 2024
- PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT TẠI CỘNG ĐỒNG
- HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH BỔ SUNG VITAMIN A VÀ CÂN ĐO TRẺ NĂM 2024
- BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG
- VAI TRÒ CỦA VI CHẤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ
- ĐỀ PHÒNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG CHO TRẺ