CÁCH LỰA CHỌN VÀ BẢO QUẢN THỰC PHẨM AN TOÀN
 
       Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm được toàn xã hội quan tâm vì có mối quan hệ trực tiếp đến sức khoẻ của con người hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số địa phương là sự cảnh báo cho cộng đồng, mọi người cần chú ý trong việc lựa chọn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình và người thân trong gia đình. Sau đây là một số cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn:
1. Chọn rau củ:
- Chọn rau vào vụ chính, là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ít.
- Chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, củ an toàn hoặc giấy chứng nhận VietGAP (giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn GAP khác).
- Chọn rau củ còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu khác nhau. Không héo úa hay có mùi lạ. Cách bảo quan rau tốt nhất là để ở ngăn tủ mát. Rau nên nhặt sạch, rửa dưới vòi nước nhiều lần, để ráo và cho vào tủ lạnh. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối...
2. Chọn thịt:
Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Thịt bò: Nên chọn loại thịt có thớ khô ráo, màu đỏ tươi.
Thịt lợn: Nên chọn thịt lợn màu hồng tươi, thớ thịt săn, da mỏng. Lớp mỡ có màu sáng bóng, có độ rắn.
Chọn gà: Chọn con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, da và lông mềm mại, lỗ chân lông nhỏ, hậu môn không ướt và đỏ, đùi to, chắc, chân nhỏ. Nếu mua gà làm sẵn nên chọn con có màu vàng nhạt bởi vàng đậm có thể do người bán ngâm vào nước có pha bột sắt.
Chọn vịt: Chọn mua con trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông, mỏ nhỏ và hơi cứng, xách thấy nặng tay.
Với thịt gia cầm chọn thịt có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt cần có da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ. Thịt gia cầm hỏng thường có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt đục.
Chọn trứng gà, trứng vịt: vỏ trứng màu sáng, không có những vệt xám đen, không bị giập. Quả trứng tươi ngon thường có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng.
3. Chọn cá, hải sản:
Đối với cá và hải sản, tốt nhất nên mua cá tôm đang còn sống, đang bơi trong nước. Cá tươi có miệng ngậm kín. Thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, mang cá có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Chọn tôm tép vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu, sò, ốc còn sống. Chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không quá lớn, chưa vỡ túi đen. Các loại thủy sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.
4. Các loại thực phẩm không nên sử dụng:
- Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc mốc có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm.
- Chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn hoặc gói bằng giấy bán lẻ ở chợ và những cơ sở không đăng kí để chế biến thực phẩm.
- Thực phẩm còn nghi ngờ, chưa biết rõ nguồn gốc.
5. Bảo quản thực phẩm an toàn:
Thực phẩm cần được bảo quản trong khu vực, trang bị chuyên dùng cho thực phẩm. Đồ đựng, bao gói an toàn, không thôi nhiễm, không thủng, không rỉ, có nắp đậy. Không để ô nhiễm chéo trong quá trình bảo quản, ô nhiễm từ môi trường, côn trùng. Bảo quản ở nhiệt độ an toàn.      
 
ThS Vương Thị Huyền