CÁC DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH SỞI
 
          Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
          Ở nước ta, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dịch sởi có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm.
          Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh Sởi thường diễn biến qua các giai đoạn sau:
1Thời kỳ ủ bệnh: trung bình 10-12 ngày, thời kỳ này, người mang mầm bệnh (chưa có triệu chứng lâm sàng) đã có thể làm lây nhiễm bệnh sang người khác
2. Thời kỳ khởi phát: đây là thời kỳ dễ lây nhất, kéo dài 4 -5 ngày, các triệu chứng chính bao gồm
          - Sốt, có thể sốt nhẹ 38-38,50C hoặc sốt cao 39-400C
          - Mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ khớp.
          - Ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, mắt đỏ,  nước mắt, nhiều dử mắt
          - Khám họng có thể thấy nốt Koplik: những chấm trắng nhỏ nổi trong niêm mạc má màu đỏ, sung huyết đối diện với răng hàm thứ nhất. Những nốt này biến mất nhanh trong vòng 12-18 giờ sau khi xuất hiện.
3. Thời kỳ toàn phát (còn gọi là thời kỳ phát ban): 
          Ban xuất hiện đầu tiên sau tai, lan dần ra hai bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên. Trong 24 giờ tiếp, ban lan ra sau lưng, hông và chi dưới. Trong vòng 2-3 ngày ban lan ra toàn thân. Ban màu hồng nhạt, ấn vào biến mất. Ban có khuynh hướng dính kết lại, nhưng xen kẽ có những khoảng da lành không bị tổn thương nằm giữa những vùng không bị phát ban.
          Trong các thể nhẹ, ban thưa thớt, không lan đến chân. Thể nặng, ban dày gần như kín toàn bộ da trên cơ thể. Đôi khi có cả ban xuất huyết và có thể kèm theo xuất huyết ở mũi, miệng, ống tiêu hóa.
          Khi bắt đầu phát ban, nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, nhưng khi ban mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Ngoài ra còn có biểu hiện: hạch cổ và hàm có thể bị sưng lên, lách to, hạch màng bụng to gây đau bụng...
4Thời kỳ hồi phục:
          Thông thường sởi bay theo trình tự xuất hiện, để lại những vết thâm đen trên mặt da được gọi là vết vằn da hổ. Bệnh nhân ăn uống khá hơn, toàn trạng hồi phục dần nếu không có biến chứng..
          Khi mắc bệnh, sởi có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên dễ gây ra biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, mù lòa, viêm não hoặc tử vong đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng. Khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban đỏ toàn thân, có triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm kết mạc thì cần phải đến cơ sở y tế khám.
          Đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà. Người bệnh cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc Đông y, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ./.
Vương Huyền