BỆNH SỐT RÉT VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Bệnh Sốt rét rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Ở nước ta hiện nay, bệnh lưu hành chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Nhiều trường hợp mắc bệnh Sốt rét do đi làm việc, công tác, du lịch ở các quốc gia có Sốt rét lưu hành về. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể phòng chống được.
Sau đây, Trung tâm y tế Hoài Đức xin cung cấp một số thông tin về bệnh Sốt rét và biện pháp phòng chống bệnh:
1. Đường lây bệnh:
Bệnh Sốt rét lây lan từ người này sang người khác qua trung gian của muỗi Anopheles bằng cách: Muỗi Anopheles đốt người bệnh Sốt rét hút ký sinh trùng Plasmodium truyền sang người lành. Đây là nguồn lây bệnh chủ yếu. Ngoài ra, ký sinh trùng Sốt rét còn có thể nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi truyền máu có mầm bệnh hoặc dùng chung bơm kim tiêm có dính máu người bệnh.
2. Biểu hiện của bệnh Sốt rét:
Biểu hiện của bệnh Sốt rét có thể nhẹ hoặc nặng.
Thời kỳ ủ bệnh: là thời gian tính từ khi bị muỗi đốt đến khi có biểu hiện lâm sàng đầu tiên. Bệnh nhân có cảm giác khó chịu, ớn lạnh.Thời kỳ này kéo dài trung bình 12 ngày, có thể kéo dài hơn, vài tuần đến vài tháng tùy theo chủng loại ký sinh trùng Sốt rét, số lượng ký sinh trùng, khả năng chống đỡ của vật chủ.
Các biểu hiện của bệnh Sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: sốt cao, rét run, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ, và ngoài cơn sốt bệnh nhân không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra có thể có các triệu chứng đi kèm khác như: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Người mắc bệnh Sốt rét thường xuyên bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc mắt nhợt. Sốt rét có thể làm cho lách to, phù nề do suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai mắc Sốt rét dễ bị đẻ non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ em mắc Sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn. Người mắc Sốt rét không được điều trị sẽ chuyển thành Sốt rét ác tính và nặng có thể có biến chứng như: Sốt rét thể não, Sốt rét đái huyết sắc tố, suy thận, suy gan, trụy tim mạch và dẫn tới tử vong.
Nếu mắc bệnh Sốt rét không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ là nguồn bệnh để lây sang người khác làm cho nhiều người mắc bệnh, gây nên dịch Sốt rét.
3. Biện pháp phòng bệnh:
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh Sốt rét. Mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng bệnh Sốt rét:
- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Sốt rét.
- Phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.
- Thả cá vào các bể, chum vại chứa nước sinh hoạt; bể nước phải có nắp đậy; thu gom phế liệu có khả năng chứa nước để loại bỏ nơi sinh đẻ của muỗi và diệt bọ gậy.
- Phun hóa chất diệt muỗi.
- Những người đi công tác, lao động tại các vùng có Sốt rét lưu hành (trong và ngoài nước, đặc biệt là các nước châu Phi), khi trở về địa phương cần phải thông báo cho y tế cơ sở nơi cư trú để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
- Khi có biểu hiện nghi ngờ Sốt rét thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, phát hiện và điều trị sớm bệnh Sốt rét.
Tin tức liên quan
- HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT NĂM 2025
- HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2025
- HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24/3/2025
- CÁCH PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO TẠI CỘNG ĐỒNG
- HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH AN TOÀN
- VAI TRÒ CỦA NƯỚC SẠCH ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI
- PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
- PHÒNG CHỐNG BỆNH MÙA ĐÔNG XUÂN
- BỆNH THỦY ĐẬU VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH
- BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG